9.4.11

GÓP Ý VỚI TÁC GIẢ TRƯƠNG SỸ HÙNG VÀ BAN BIÊN TẬP THÔNG BÁO HÁN NÔM 2009

Ngày 28. 8. 2010
Danh tướng Phạm Tu, người đứng đầu hàng võ của nhà nước Vạn Xuân là trụ cột triều đình Lý Nam Đế được thống nhất ghi trong sử sách. Một danh nhân không có ai có thể phủ nhận công lao của Tướng công đối với vùng đất Thủ đô dù đã trải qua 15 thế kỷ. Thế nhưng nghi vấn lịch sử lẽ ra phải xếp một bên để đặt tên đường phố mang tên ông. Cho dù có thể đặt tên của Tướng công thành tên một quận của Thủ đô (Chúng ta tin rằng Tướng công là một trong những vị thần thiêng nhất của Kinh đô, gắn với đất Long Đỗ) thế nhưng đến giữa năm 2010 này tên ông còn chưa được đặt cho một con đường nơi ông sinh ra, nơi ông ngã xuống và vẫn tiếp tục bảo vệ mảnh đất ấy theo chiều dài lịch sử của Đất nước. Việc chưa có tên đường Phạm Tu ở thủ đô là điều ngạc nhiên đối với những người biết về Phạm Tu trong đó có những nhà nghiên cứu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long, hãy đặt tên cho các con đường đẹp ở Thủ đô mang tên các danh nhân như Triệu Túc, Tinh Thiều, Phạm Tu-tứ trụ triều đình Vạn Xuân. Không nên chờ (gần 35 năm nữa) đến những năm 2044-2045 để kỷ niệm 1500 năm của hàng loạt sự kiện: lập nước Vạn Xuân và dựng thành đầu tiên ở bờ nam sông Hồng, trên đất Long Đỗ cổ, ngày hy sinh của danh tướng Phạm Tu, đúng 100 năm ngày quốc khánh Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Nếu đúng Lý Phục Man là Phạm Tu thì chẳng lẽ đặt tên đường Phạm Tu rồi thì phải đổi tên đường Lý Phục Man? Còn nếu chứng minh là hai nhân vật riêng biệt thì lúc đó đặt thêm tên đường Lý Phục Man có muộn? Trong khi Tp. Hồ Chí Minh đã có tên đường Lý Phục Man từ rất lâu, còn gần đây các thành phố biển Nha Trang, Đà Nẵng đã đặt tên Phạm Tu cho một con phố nhỏ gần bờ biển.
Rõ ràng trong vấn đề này chính sử (văn kiện quốc gia) đang bị yếu thế trước thần phả (văn bản địa phương). Một số nhà nghiên cứu cho phép mình đánh giá tư liệu này tin cậy hơn tư liệu kia, nhưng khi hỏi tư liệu mà họ cho là tin cậy ấy bắt nguồn từ đâu thì họ cũng không trả lời được, hỏi xem có căn cứ nào cho việc đồng nhất không thì lại bảo là chính sử có ý viết như thế(?!). Chính sử đã viết thì ai còn phải bàn luận nhiều? Có phải vấn đề đồng nhất đã bị chi phối bởi tính chất địa phương, sự tranh chấp giữa những nhà nghiên cứu chưa vì lợi ích chung?
Tôi nhớ lại câu của TS. Nguyễn Nhã nói: "Như người ta đã nói: Cái gì của César thì phải trả lại cho César!" Do vậy nên cần bàn một số điểm chưa chính xác trong một bài nghiên cứu công phu của PGS. TS. Trương Sỹ Hùng mà ông cho là có cơ sở chứng minh Phạm Tu và Lý Phục Man chỉ là một người.
(a). Trích: "Theo chúng tôi, danh tướng Phạm Tu hay danh tướng, sau khi chết là danh thần Lý Phục Man chỉ là một người. Mỹ tự “Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu, thụy Đô Hồ đại vương, thượng đẳng thần” (感應居士范修謚都湖大王尚等神) trong bản thần tích Phạm Tu ở Thanh Liệt có thể có sự nhầm lẫn. Bằng chứng chắc chắn là sinh thời Lý Nam đế chưa thể có sắc phong thần cho Phạm Tu, bởi lẽ nếu tướng Phạm Tu chết cùng Lý Nam đế ở động Khuất Liêu hay hy sinh ở cửa sông Tô Lịch thì ông còn chết sau vua;" (xem tr. 31)
Xem đoạn này thấy sự lầm lẫn của tác giả: "hay hy sinh ở cửa sông Tô Lịch thì ông còn chết sau vua;" Phạm Tu hy sinh năm 545, ở cửa sông Tô; Lý Bí mất năm 548 ở Khuất Liêu: Làm sao tác giả cho là Phạm Tu chết sau vua Lý Nam Đế?
(b). Trích: "còn khi người hiển thánh thì dân gian tìm mọi cách phù hợp kiêng gọi húy hiệu nên gọi Phạm Tu là thánh Giá, Thiên Nam thánh, thần Lý Phục Man. Hơn tất cả là tính danh do chính vua Lý Nam đế ban tặng, tính thiêng liêng lại gấp bội lần tăng." (xem tr. 33)
Ở đây phải thấy rõ “dân gian tìm” là các tên gọi xuất xứ từ nhân dân, đó là các tên gọi: Đỗ Động tướng quân, Lý Thái úy, Lý Phò mã, Lý tướng quân, thánh Giá,... Còn Lý Phục Man được cho là do vua Lý Nam Đế ban tặng, Thiên Nam thánh do Lý Thần Tông ban tặng. Nên ở câu trước cần loại hai tên gọi do vua ban mà thay vào các tên gọi có xuất xứ từ nhân dân nhằm tránh hiểu lầm ở câu ngay sát sau đó ca tụng tên Lý Phục Man. Vì đã nảy sinh mâu thuẫn giữa 2 câu này bởi "Phục Man" được cho là tên gọi từ thời Lý Nam Đế, do chính Lý Nam Đế ban tặng. Ý nghĩa của việc "Phục Man" là sự an huy của mọi vương triều. Chúng ta thấy các vương triều đều chuộng từ “Phục Man” nên tập trung sắc phong cho thần.
Lý Phục Man - tên gọi do Lý Nam Đế ban tặng, khởi đầu, khi còn sống, đúng giai đoạn lịch sử và ý nghĩa nhất, như các tên gọi các đồng chí "Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi" mà Bác Hồ đã đặt.
(c). Trích: "Sau đoạn văn trên là trọn vẹn câu chuyện kể cả tình tiết và văn phong, thể hiện là Đại Việt sử ký toàn thư dẫn lại trọn vẹn sách Việt điện u linh như đã dẫn đoạn trên. Lúc này danh tướng Phạm Tu dường như chỉ còn dấu ấn trong trang sử thời Tiền Lý, còn giờ đây tên ông được gọi là thần thiêng Lý Phục Man hay thánh Giá bởi người đã “thác về trời” từ gần 1000 năm trước." (tr. 24)
Đoạn này có nhiều mốc thời gian nên dễ nhầm lẫn: “Lúc này”, “thời Tiền Lý”, “còn giờ đây”, “đã thác về trời” và “từ gần 1000 năm trước” rất dễ làm người đọc hiểu sai và không xác định khoảng thời gian nào là gần 1000 năm.
(d). Trích: "Rõ ràng là nhân dân đã truyền thuyết hóa lịch sử, tìm mọi cách đề cao vị thành hoàng làng mình, gán cho thần những điều linh dị, sao cho hợp với phong thổ, địa danh mà họ đã và đang cư trú. Đời sau, nhiều thế hệ sau vua theo các quan trình nghị ý kiến của dân mà phê duyệt. Sự sai lạc tình tiết, ghép nhặt các mảnh truyện ly kỳ không mấy ai quan tâm, chỉ có các nhà nghiên cứu, chép sử băn khoăn khi có dịp cần xem xét." (xem tr. 32)
Có lẽ đây là tình trạng chung nên các thần phả đều phải đứng trên giai đoạn lịch sử đương thời mà xét. Xem Sự tích về Lý Phục Man để thấy rõ vấn đề này.
(e). Trích: "Triều đình hội kiến, ai cũng tâu vua rằng: “ - Ngoài Đỗ Động tướng quân, không ai có thể thắng được bọn giặc này!”" (xem tr. 25)
Năm 543, khi đánh Lâm Ấp, nhà nước Vạn Xuân chưa thành lập. Không có triều đình nào trước Vạn Xuân cả!
(g). Trích: "Loại bỏ dấu ấn của thuyết phong thủy (các gò đất mang danh long, ly, quy, phượng) thì chứng tích một thành Vạn Xuân hay cung điện sơ khai mà lại tồn tại chưa được 5 năm ở đây là đúng, bởi thế việc thờ vọng Phạm Tu ở Thanh Liệt là chính đáng. Đó là lẽ thứ hai khiến người đời không thể sao nhãng. Lẽ thứ ba, thần phả Phạm Đô Hồ đại vương Thanh Liệt xã (神譜笵都湖大王清列社) “sao lục tại đền Hùng Vương tỉnh Phú Thọ” năm 1934 không có tên người soạn thảo và ngày tháng ấn định văn bản nên độ tin cậy không cao." (xem tr. 31)
Cần xem xét:
1. Không có chuyện kinh đô Vạn Xuân lại ở ngay Thanh Liệt, mà tồn tại 5 năm e quá dài! Khi khởi nghĩa thành công, có lẽ ban đầu bộ chỉ huy nghĩa quân đóng trong thành Long Biên , sau đó có thể mới tập trung về phía nam sông Hồng rồi lập điện Vạn Thọ,...
2. Tài liệu cổ, thần phả ở các di tích có bao nhiêu bản ghi có xuất xứ rõ ràng nếu truy tận gốc tài liệu để học giả xưa soạn. Xin hãy xem lại các tư liệu ở Quán Giá trước khi kết luận tư liệu nào tin cậy.
(h). Trích: "Bằng chứng chắc chắn là sinh thời Lý Nam đế chưa thể có sắc phong thần cho Phạm Tu, bởi lẽ nếu tướng Phạm Tu chết cùng Lý Nam đế ở động Khuất Liêu hay hy sinh ở cửa sông Tô Lịch thì ông còn chết sau vua; thế thì mỹ tự Cảm ứng của Đô Hồ đại vương không bao giờ có là “Nam đế sắc vi” (南帝敕為) được." (xem tr. 31)
Chúng ta có thể tán thành quan điểm Lý Nam Đế không sắc phong thần cho Phạm Tu vì xét bối cảnh kháng chiến chống quân Lương, Lý Nam Đế không có thời gian, điều kiện để suy tôn Phạm Tu.
Còn "Nam đế sắc vi", nước Việt có bao nhiêu vị là Nam đế chứ đâu chỉ có một Lý Bí là Nam đế! "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư" thì có Nhà nước Việt là có Nam đế, đời nào cũng vậy.
Việc sắc phong thường diễn ra khi giặc dã đã yên. Phù hợp nhất là vị Nam đế - Lý Phật Tử làm, do Phạm Tĩnh con Phạm Tu là Tướng quốc triều này - triều Hậu Lý Nam Đế (có chữ Hậu ở đầu) mà nhiều tài liệu vẫn chép là triều Lý Nam Đế.
(i). Trích: "Khi Phạm Tu được vua ban quốc tính tức là họ Lý và danh hiệu Phục Man, lại được vua gả công chúa ông trở thành phò mã. Lẽ thường theo “mệnh vua phép nước”, bản thân đương sự là Phạm Tu và “phận con dân” thuộc mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi thế hệ người đời không thể trái mệnh vua, nên ngay từ lúc sinh thời tục danh Phạm Tu dần lui vào quá khứ." (xem tr. 23)
Thật kỳ lạ tại sao ở làng Giá tên tuổi Phạm Tu "lui vào quá khứ" mà chỉ biết đến Lý Phục Man từ thời Lý Thái Tổ. Mà trong khi chính sử (không dưới 2 cuốn sử) lại ghi chép được chính tác giả Trương Sỹ Hùng coi là "không phải là bất cẩn", và có ghi trong Việt điện u linh tập (không phải trong truyện Lý Phục Man).
Theo cuốn Tuyển tập Thần tích của Thăng Long-Hà Nội của Nxb. Hà Nội (chủ biên PGS. TS. Nguyễn Tá Nhí, PGS. TS. Nguyễn Văn Thịnh) trong nội dung viết về thần tích xã Yên Sở có nội dung Tồn nghi đề cập đến việc đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu. Nội dung này cho hay làng Giá hiện chỉ kiêng húy chữ “Man” chứ không kiêng húy chữ “Tu”. Từ đây chúng ta nhận ra: Rõ ràng tên húy của thần Lý Phục Man cũng không phải là Man nên kiêng húy là vô lý, kiêng tên gọi này chứng tỏ cả ngàn năm ở làng Giá không biết tên thật của Lý Phục Man và tên gọi Phạm Tu quả là xa lạ đối với mảnh đất này!
Bộ chính sử lớn của nước ta, cuốn Đại Việt sử ký toàn thư đã để lại những dòng ghi về vị tướng tài họ Phạm như sau:
“Mùa hạ, tháng 4 năm Quý Hợi (543) vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng Phạm Tu đánh tan giặc ở quận Cửu Đức” và:
“Mùa Xuân, tháng Giêng năm Giáp Tý (544), vua lên ngôi, xưng là Nam Việt Đế, lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân là ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái Phó, lấy Tinh Thiều, Phạm Tu làm tướng văn, tướng võ”.
Cuốn Việt Nam sử lược cũng viết:
“Qua năm Quý Hợi (543) quân Lâm Ấp lại sang quấy phá quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tu vào đánh ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), người Lâm Ấp thua chạy về nước.”
Làm sao làng Giá lại bỏ quên đến mức sau 14 thế kỷ để đến nửa cuối thế kỷ XX mới cho Lý Phục Man là Phạm Tu, hay đúng hơn là đến khi có thông tin công bố trên sách báo là Phạm Tu quê ở Thanh Liệt, Thanh Trì? Phải chăng đó là sự suy luận, "tưởng tượng về thời xa xưa" chứ không hề có cơ sở để nói là "dần lui vào quá khứ"?
Lịch sử Việt Nam hiếm có người được phong quốc tính (một dạng khen thưởng đặc biệt) mà tên tuổi bị mai một. Bởi lẽ chính việc được ban quốc tính đã là một sự ca tụng nên lai lịch về nhân vật ấy càng rõ ràng hơn rất nhiều người cũng được ghi trong sử sách.
Những nhà viết sử thời Lý Trần đã biết về Phạm Tu nên thần phả nào có ghi tên ông đều đã được viết một cách cẩn thận. Đừng vì chủ quan, với ý muốn phủ nhận tư liệu khác mà cho "độ tin cậy không cao", nghe như tiếng súng lục “bắn... vào Quá khứ”?
(k). Trích: "Hiện có đến hàng chục bản thần tích viết về Lý Phục Man, nhưng cũng chỉ có vài bản có chi tiết cho biết Phạm Tu là tục danh của Lý Phục Man, còn năm bài văn khắc Hán Nôm trên bia đá ở Yên Sở và phần lớn các thần tích chỉ nói đến đại từ chung là đại vương hoặc cặp từ vinh danh thần." (xem tr. 28)
Tính chính xác của việc nêu “chỉ có vài bản” thần tích “có chi tiết cho biết Phạm Tu là tục danh của Lý Phục Man” cần được chỉ rõ ở bản thần tích nào, đoạn viết ấy cụ thể ra sao? Đây chính là cơ sở có thể đồng nhất mà sao tác giả lại không đi sâu để làm sáng tỏ vấn đề?
Giải thích về điều có thể đồng nhất và không thể đồng nhất:
Bản thân việc "Sự tích đức thánh Giá" xây dựng để vị thần sông Đáy là công thần hàng đầu thời Lý Nam Đế điều đó khiến nhiều điều rất giống với vị khai quốc công thần có thật trong lịch sử Tả tướng Phạm Tu. Đây là những điều khiến nếu chỉ xem qua có thể đồng nhất một cách dễ dàng. Bản thân việc đặt tên sự tích cho thấy sự thiếu cơ sở bởi đúng thì cứ gọi "Danh tướng Phạm Tu" là vững nhất, "vững như bàn thạch".
Tuy nhiên những mâu thuẫn phát sinh trong chính tư liệu về Lý Phục Man chứng tỏ trải dài 1000 năm, theo thời gian tư liệu bổ sung vào dồi dào nhưng không thể thống nhất. Đặc biệt khi thời nay cứ phải lái theo cho đúng đó là Phạm Tu và bởi không có cái gốc của sự thật nên có nhiều giả thuyết đã không thống nhất. Tuy nhiên không ai đưa ra lý do chứng minh tư liệu nào là thêm vào sai, tư liệu nào là gốc-đúng. Vì thực sự không ai có đủ tin tưởng là tư liệu mình đưa ra là đúng hoàn toàn? Đi phủ nhận tư liệu ở Thanh Liệt có lẽ không phải khi lại sử dụng thông tin về Phạm Tu ở đây để bổ sung cho Lý Phục Man (như việc Lý Phục Man mất ở cửa sông Tô). Thế lý luận này như đánh trận lên núi “cheo leo” quá?
Từ sự mâu thuẫn cho thấy tư liệu về Lý Phục Man hiện nay đang có tình trạng đúng sai lẫn lộn như thế làm sao có thể đồng nhất được? Đặc biệt những người lấy lẫn lộn tư liệu Lý Phục Man trẻ tuổi ghép (cơ học) cho Lão tướng Phạm Tu là việc làm của những nhà nghiên cứu là không khoa học vì không đưa ra được lý giải cho những mâu thuẫn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét