TRẦN LÊ SÁNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Ngày 20 tháng 7 năm Đinh Sửu, tức ngày 22 tháng 8 năm 1997 là ngày giỗ lần thứ 1452 năm của vị danh tướng Long Biên hầu Phạm Tu đời vua Lý Nam Đế.
Cụ Phạm Tu người thôn Vực Mụ, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thân phụ là cụ Phạm Thiều, thân mẫu là cụ Lý Thị Trạch.
Cụ Phạm Tu sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa:
Thư thảo tinh điền, thánh đức uông hàm gia thế đại;
Bút hoa bảo cáo, thần uy hiển ứng quốc từ tôn.
Dịch:
Sách thảo nghĩa sâu, thánh đức bao dung gia thế lớn;
Bút hoa lời báu, thần uy hiển ứng quốc từ tôn.
(Câu đối và bản dịch ở Miếu Vực)
Thần tích chép rằng, ngày 9 tháng Giêng năm Ất Mão (475), bà Lý nằm mộng thấy thần Tây Hồ thay trời xuống ban cho quý tử. Ngày rằm bà lại thấy ánh sáng đầy nhà, có con bạch hoa xà (điềm báo có võ tài hướng Tây xuất hiện) hóa thành đóa sen trắng (điềm báo văn tài hướng Tây xuất hiện) lượn đến, bà Lý đỡ lấy và có thai.
Ngày 12 tháng 3 năm Bính Thìn (476), bà Lý sinh con trai; lúc sinh, mùi hương thơm tỏa đầy nhà. Ông bà đặt tên cho con là Phạm Đô Tu. Cậu Tu phương phi, tuấn tú, học giỏi, đàn hát hay và là đô vật nổi tiếng trong vùng. Đến nay, lò vật Quỳnh Đô vẫn là lò vật nổi tiếng.
Cuối năm Tân Dậu, tức vào tháng 1 năm 542, Giám quân ở châu Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay) dấy binh khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ nhà Lương.
Viên Thứ sử cai trị nước ta lúc bấy giờ là Tiêu Tư. Tiêu “vì hà khắc tàn bạo mà mất lòng người” (Đại Việt sử ký toàn thư). Trong đêm dài Bắc thuộc, cuộc khởi nghĩa của Giám quân Lý Bôn giống như bó đuốc rực sáng soi đường, nhân dân và anh hào khắp nơi đều hướng về, nô nức hưởng ứng. Ở Chu Diên (Đan Phượng, Từ Liêm) có Hào trưởng Triệu Túc (thân phụ vua Triệu Việt Vương sau này); ở Sấu Giá (Yên Sở, Hoài Đức) có Lý Phục Man, lại có người là quan nhà Lương bỏ quan chức chạy về với quân khởi nghĩa như Tinh Thiều..., đều là những bậc anh hùng xuất chúng, kéo quân về giúp. Trong số những vị anh hùng xuất chúng ấy, chúng ta còn phải kể đến vị lão anh hùng Phạm Tu.
Tướng quân Phạm Tu lúc bấy giờ đã 67 tuổi, song tuổi tác không ngăn được nhiệt tình và tài năng xuất chúng của ông. Triệu Túc, Tinh Thiều, Phạm Tu trở thành ba vị lãnh tụ Lý Bôn lãnh đạo. Quân ta đánh đâu thắng đấy. Thứ sử Tiêu Tư phải bỏ chạy về nước. Đất nước ta được giải phóng.
Tháng Giêng năm Giáp Tý (544), vua Lý Nam Đế lên ngôi; đặt tên nước là Vạn Xuân lấy niên hiệu là Thiên Đức, đặt quan chế, v. v… Sau mấy trăm năm phải làm nô lệ, những năm thời vua Lý Nam Đế, nhân dân ta được tự do, đất nước được độc lập… Tiếc thay! Thời gian chỉ ngắn ngủi có bốn năm! Song ý nghĩa lại hết sức to lớn. Ý nghĩa to lớn này thật khó nêu hết được!...
Tư liệu về hành trạng của Tướng quân Phạm Tu, hiện nay tìm được còn rất ít, tuy vậy, những tư liệu đầy giá trị này vẫn cho phép chúng ta khẳng định công lao to lớn của vị Tướng quân họ Phạm đối với đất nước.
Những tư liệu về Tướng quân Phạm Tu, có thể chia làm hai nguồn chính: Nguồn thư tịch, giấy tờ có tính chất quốc gia và nguồn ghi chép, di tích có tính chất truyền thống, địa phương.
Về nguồn thư tịch, giấy tờ có tính chất quốc gia, trước hết phải kể đến quốc sử, đến sắc phong:
Tìm vào quốc sử, chúng ta đọc được ở Kỷ nhà Tiền Lý, sách Đại Việt sử kí toàn thư những đoạn như sau:
“Quý Hợi, năm thứ 3 (543), mùa hạ, tháng Tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua (Lý Nam Đế) sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức.
“Giáp Tý, Thiên Đức năm thứ 1 (544), Mùa xuân, tháng Giêng, vua nhân đánh được giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đổi niên hiệu, đặt trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, là ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc là Thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu, đều là tướng văn và tướng võ”.
Việt Nam sử lược cũng viết:
“Qua năm Quý Hợi (543) quân Lâm Ấp lại sang quấy phá quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tu vào đánh ở Cửu Đức (Hà Tĩnh), người Lâm Ấp thua chạy về nước”.
“Năm Giáp Tý (544) đời nhà Lương bên Tàu, ông Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức rồi phong cho Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ”.
Thiên Nam ngữ lục (thế kỉ XVIII) chép:
Vua cùng tướng quân Phạm Tu,
Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời.
Các sử học xưa của nước ta, khi viết quốc sử thường xem kĩ sử Trung Quốc, viết về sử đời Tiền Lý, chắc chắn có tham khảo sử nhà Lương đời Lục triều. Trong đình Ngoài làng Thanh Liệt thờ Tướng quân Phạm Tu làm Thành hoàng, còn đôi câu đối:
Tướng sử Lục triều Lương địch quốc;
Thần bi nhất Phạm Liệt danh hương.
Dịch:
Chống quân Lương thời Lục triều, dũng tướng lừng danh sử chép;
Dòng họ Phạm đất Thanh Liệt, thần võ còn dấu bia truyền.
(Bản dịch của Chí Kiên; bài “Phạm Tu” trong Danh nhân Hà Nội; 1973).
Như vậy, danh tướng Phạm Tu có thể đã được chép trong sử nhà Lương thời Lục triều.
Ngày 18 tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã cùng các ông Nguyễn Hữu Tưởng, Vũ Hồng Quân, Nguyễn Xuân Đa là những nhà Hán học và cán bộ địa phương đi thăm lại miếu, đình thờ danh tướng Phạm Tu. Hiện nay, bảo tàng Thanh Liệt còn giữ được 18 đạo sắc phong của các triều về Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương. Gồm:
- Đời Lê Cảnh Hưng 4 đạo.
- Đời Lê Chiêu Thống 1 đạo.
- Đời Tây Sơn, Cảnh Thịnh 2 đạo.
- Đời Nguyễn 11 đạo.
Những tư liệu quốc sử, giấy tờ có tính chất quốc gia nói trên đã giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc tìm hiểu về danh tướng Phạm Tu. Ngoài ra, chúng ta được bổ trợ qua nguồn ghi chép, di tích ở địa phương.
Ở Thanh Liệt hiện nay có hai nơi thờ danh tướng Phạm Tu đó là Miếu Vực và Đình Ngoài. Miếu Vực ở xóm Vực. Miếu thờ Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương cùng Thánh phụ Phạm Thiều, Thánh mẫu Lý Thị Trạch.
Bài vị ghi:
“Bản thổ Tối linh Lý triều Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại Vương”
Trước miếu có đôi câu đối:
Văn tại tư hồ, kinh vĩ lưỡng gian thùy bất hủ;
Đức kỳ thịnh hĩ, hiển vi nhất lý hưởng vu thành.
Dịch:
Văn để dài lâu, ngang dọc hai gian truyền bất hủ;
Đức còn thịnh mãi, tỏ mờ một lẽ lễ chân thành.
(Theo bản dịch trong miếu)
Theo câu đối trên, miếu vốn có hai gian, nay được mở rộng thành ba gian. Danh tướng Phạm Tu sau khi mất, về năm mất, mộ táng, nơi thờ, thực ra còn đôi chỗ vẫn phải tiếp tục tìm hiểu thêm; song quê ông phải là Thanh Liệt, phát hiện đó cần ghi nhận. Nhưng Miếu Vực là nơi thờ Thánh phụ, Thánh mẫu còn đối với đức Thánh Phạm, miếu này chỉ là nơi thờ vọng.
Đình Ngoài ở ngoài đồng, thuộc thôn Trung. Đình có vườn rộng, phía trước đình có hồ lớn, gọi là hồ Tròn. Nghe nói xưa hồ có cánh như hoa sen, điều đó hình như hợp với mộng Thánh mẫu lúc có mang đức Thánh. Bên phải đình có nhà thọ lão, điều đó lại hình như hợp với kiểu dựng điện Vạn Thọ ở triều vua Lý Nam Đế. Trong đình có đôi câu đối gỗ đã có chỗ bong sơn, để trong góc:
Miếu thành khổng yên, chung thủy tam thiên quy thắng địa;
Dân kim thụ tứ, cổn hoa ngũ tự biểu danh hương.
(Miếu thành được yên, sau trước ba lần dời mới về đất đẹp.
Dân nay nhận sắc, huy hoàng năm chữ vua ban tỏ danh làng).
Vậy, hình như đình đã dựng ba lần, lần cuối mới là chỗ hiện nay chăng?
Đình có bốn tấm biển lớn:
Cổ hữu quang (Xưa đã sáng)
Hưu hữu liệt quang (Mất vẫn rực sáng)
Ngọc Đàm Thanh (Ngọc Đàm Thanh)
Vạn cổ linh trường (Muôn thuở anh linh)
Trong đình còn một số đôi câu đối khác như:
Trượng nghĩa cự Lương binh, hách hách tinh trung huyền nhật nguyệt;
Phong hầu minh Lý sử, miên miên thang mộc ấm phần du.
Dịch:
Khởi nghĩa dẹp quân Lương, lẫm liệt tinh trung ngời nhật nguyệt;
Phong hầu ghi sư Lý, vẻ vang thang mộc rạng quê hương.
(Bản dịch của Chí Kiên; bài và sách đã dẫn)
v.. v..
Ngoài ra, đình Ngoài còn Thần tích chép sự tích của Thành hoàng Phạm Đô Hồ Đại vương. Theo Thần tích, tháng 6 năm Ất Sửu (545), tướng Lương là Trần Bá Tiên đánh Chu Diên, Tướng quân Phạm Đô Hồ chống giặc và tử trận; đó là ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu. Sau khi mất, ông được vua Lý Nam Đế phong là Long Biên hầu, ban thụy là Đô Hồ, sắc phong làm Thành hoàng bản cảnh, ban cho bản trang là ấp thang mộc, được miễn sưu dịch; lại cho một trăm nén bạc để dựng miếu thờ. Từ đó, viết chữ Hán kỵ húy phần bên phải, phần bên trái chữ TU (Tu trong “Tu dưỡng”) .
Theo bà con địa phương cho biết, cho đến nay, người bản địa khi nói gặp chữ TU đều đọc chệch là TO.
Điều đáng lưu ý hơn nữa là trong đình Ngoài còn bức vẽ Thành hoàng Phạm Đô Hồ. Bức vẽ này cỡ khoảng 60 x 80cm; sắc thái Ngài trang nghiêm nhưng phúc hậu, bình dị. Thời gian vẽ được chưa rõ “Bảo Đại thất niên tuế thứ Nhâm Thân bát nguyệt sơ bát nhật”, tức bức vẽ này được vẽ vào ngày 8 tháng 8 năm Nhâm Thân niên hiệu Bảo Đại (1932). Bên phải bức vẽ này có bức vẽ một tướng võ ở võ ban; bên trái có bức vẽ tướng văn ở văn ban. Phía trước có bức tứ bình bốn cô gái đang đánh đàn, thổi sáo. Các bức vẽ trên gợi lên ý nghĩ, Tướng quân Phạm Tu tuy là võ tướng, song lại có phong cách văn nhã, dễ gần.
Tướng quân Phạm Tu có đóng góp lớn cho đất nước, cho Hà Nội như vậy được sử sách đánh giá cao và nhân dân quý mến như vậy thế mà, cho đến nay, chưa một đường, một phố nào ở Hà Nội gắn biển mang tên vị danh nhân này. Vậy thì, việc này nên là việc sớm được lưu ý thỏa đáng chăng? Ngoài ra, khi con đường lớn chạy qua Thanh Liệt được làm, cả một sân trước rộng của đền thờ cụ Chu Văn An bị bới làm đường; nếu nay đường này muốn mở rộng nữa, đền thờ cụ Chu và cả miếu thờ cụ Phạm Tu chỉ cần “tiện” một chút, “lợi” một chút là có thể bị tổn hại nhiều. Văn hóa bao hàm một nghĩa rất rộng, trong đó kể cả việc làm đường, xây dựng…; nhưng có lẽ đừng bao giờ nên coi việc dời bỏ, hủy bỏ di tích lịch sử là việc làm có văn hóa.
Theo Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr. 524-532)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét