9.4.11

LONG ĐỖ, THẦN TRẤN PHÍA ĐÔNG KINH THÀNH THĂNG LONG

Hiện nay, tại số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm có ngôi đền Bạch Mã thờ “Long Đỗ thần quân Quảng lợi Bạch Mã đại vương”. Đây được coi là một trong “Thăng Long tứ trấn” của kinh đô thời xưa, đền trấn phía đông kinh thành.

Sách Việt điện u linh chép: “Khi xưa, Cao Biền sang ta đắp thành Đại La. Một buổi trưa, đi chơi vơ vẩn ra cửa đông ngoài thành, bỗng thấy mây mù nổi to, rồi có năm sắc rực rỡ bốc từ mặt đất lên tới trên không tụ lại, dưới làn mây năm sắc khí trời trở nên lạnh lẽo. Trông trong làn mây thấy một người cưỡi rồng vàng, đầu đội mũ hoa, mình mặc áo tía, xiêm thêu, giầy đỏ, đồng thời thấy mùi hương ngào ngạt, tiếng nhạc vang lừng một hồi lâu mới tan. Cao Biền kinh hãi, cho là yêu quái. Đêm hôm ấy, Biền mộng thấy một ông hình dạng ăn mặc như lúc thấy ban ngày, đến bảo Biền rằng: “Tôi là Long Đỗ vương khí quân, thấy ông mở dựng đô thành, nên tôi lại chơi, ông đừng ngờ!”. Biền tỉnh dậy, nói chuyện với mọi người rồi than rằng: “Ta không biết làm chính trị, để quỷ thần trêu ta, điềm tốt hay điềm gở đây?”. Có người bảo Biền dựng đền, đắp tượng thờ, rồi lấy đồng, sắt chôn xuống để trấn áp. Biền theo lời làm như thế. Bỗng một cơn bão rất to, đổ cây, tung đất, bao nhiêu đồng sắt yểm đều tan ra tro bụi, Biền thấy vậy, than rằng; “Ta sẽ phải về Bắc mất!”, rồi quả nhiên Biền phải về thật.
Đến đời nhà Lý, dựng đô ở đây, thần Long Đỗ được suy tôn “Quốc đô định bang thành hoàng đại vương”, tức Thành hoàng của cả kinh thành Thăng Long.

Tương truyền, khi Lý Thái Tổ đắp thành, thành cứ đổ, nhà vua phải cử người tới đền cầu thần. Một con ngựa trắng từ đền đi ra, đi theo hướng tây, vòng về hướng đông, trở về điểm xuất phát, rồi biến vào đền. Nhà vua cứ theo vết chân ngựa để lại mà cho đắp thành. Nhờ đó mà thành công.

Đến đời Lý Thái Tông, nhà vua cho mở phố chợ về Cửa Đông, hàng quán chen chúc, sát tới bên đền, rất huyên náo. Muốn dựng đền ra một chỗ khác song vua lại nghĩ: một ngôi đền cổ không nên dời đi, mới đem sửa sang lại đền, liền với các nhà ngoài phố, riêng để một ngôi nhà bên trong làm nơi thờ thần. Đến đêm, thần liền hiển linh nổi trận gió bắc rất to, các nhà bên đều đổ duy đền thờ thần vẫn nguyên vẹn. Vua Thái Tông lấy làm lạ hỏi, có người biết, tâu rõ việc hiển linh của thần từ trước. Vua mừng nói: “Đó thật là vị thần coi việc nhân gian”, liền xuống chiếu cho sửa lễ tế đền và đặt lệ mỗi năm cứ đầu mùa xuân lại đến làm lễ cầu phúc. Lại sắc phong thần là Quảng Lợi vương. Trước đây, ở phố chợ Cửa Đông, ba lần phát hỏa, các nhà trong phố bị cháy hầu hết, duy chỗ đền thờ thần, lửa không bao giờ lan tới.

Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải có đề một bài thơ ở đền:
Tích văn nhân đạo đại vương linh
Kim nhật phương tri quỉ mị kinh
Hỏa bác tam khu thiêu bất tận
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh.
Chỉ huy vọng lượng tam thiên chúng
Đàn áp yêu ma bách vạn binh
Nguyện trượng dư uy thanh bắc khấu
Đốn linh vũ trụ lạc thăng bình
Dịch:
Đại vương xưa nức tiếng oai linh
Nay mới hay rằng ma quỷ kinh
Lửa tụ ba khu không cháy miếu
Gió lay một trận chẳng nghiêng mình
Khiến sai bọn quỷ ba nghìn đứa
Đánh dẹp loài ma trăm vạn binh
Nhờ cậy dư uy trừ giặc Bắc
Giúp ngay đất nước được thanh bình
(Trần Lê Văn dịch)
Tới nay, đền thờ nguy nga, tiếng anh linh còn mãi.
Vào thế kỷ XVIII, Đình nguyên Hoàng giáp Trần Bá Lãm (1757-1815), cũng có thơ đề ở đền:
Mạch dẫn bàn long truyền thắng địa,
Tích lưu bạch mã trấn danh châu
Cao vương vãng sự câu thần thổ
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Dịch:
Mạch dẫn rồng nằm kia đất hẹp
Dấu xưa ngựa trắng giữ danh đô.
Cao vương vật cũ không đâu thế,
Vật đổi sao dời độ mấy thu

Trong đền còn một đôi câu đối khá tiêu biểu ghi nhớ công ơn của vị thần:
Phù quốc lộ ư La Thành, vạn cổ uy thanh truyền mã tích
Ngật tôn từ vu giang tứ, thiên thu vượng khí trấn Long Biên
Dịch:
Giúp nước thịnh ở La Thành, muôn thuở uy danh truyền dấu ngựa.
Bên sông nước, nghìn năm vượng khí giữ Long Biên.

Phan Huy Lê
Theo Danh nhân Hà Nội, Vũ Khiêu (Cb), NXB Hà Nội, 2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét