9.4.11

LÝ PHỤC MAN & QUÁN GIÁ

LÝ PHỤC MAN: danh tướng của Lý Bí, sống vào thế kỉ 6. Không rõ tên thật. Quê ở làng Cổ Sở (Hoài Đức, Hà Tây). Tương truyền là người giỏi võ nghệ, theo Lý Bí khởi nghĩa chống quân Lương (Trung Quốc), lập nhiều chiến công. Nhà Tiền Lý (544-555) thành lập, ông được cử trông coi vùng đất phía nam, đánh tan cuộc xâm lấn của Chămpa. Sau đó được gả công chúa Lý Nương, ban cho ông họ Lý và chức thiếu uý, được gọi là Phục Man tướng quân. Trở về quê quản lĩnh vùng đất Đỗ Động, Đường Lâm (Hà Tây). Nhà Lương xâm lược, ông hi sinh trong chiến đấu. Dân làng thương nhớ dựng đền thờ ông.
Quán Giá: di tích lịch sử-kiến trúc nghệ thuật ở xã Yên Sở (Kẻ Giá, Cổ Sở)-một làng Việt cổ bên đê Sông Đáy, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây. Đình làng Giá, dân quen gọi là QG, thờ Thành hoàng Lý Phục Man-vị tướng tài triều Lý Nam Đế (544-548), anh hùng dân tộc đánh giặc Chiêm, Lương. Bị giặc Pháp đốt năm 1947, nhưng vẫn còn giữ được nhiều cổ vật quý hiếm: 2 tam quan; hậu cung, ngựa đồng; 5 bia đá cổ, niên đại từ 1628 đến 1803. Hai tam quan Trong, Ngoài là cấu trúc hiếm, duy nhất trong hệ thống đình đền của Việt Nam. Tam quan Trong gắn “tranh liên hoàn” bằng 49 viên gạch trang trí: tường phía đông gắn 23 viên, phía tây 26 viên. Đây là loại gạch vuông nung màu đỏ, có hình nổi, mô tả người đánh cờ, voi, ngựa, trâu, cô gái tắm ao sen, người gánh củi, bơi thuyền theo các tích Phật. Trong hậu cung còn tượng Lý Phục Man. Yên Sở mở hội Rước Giá vào ngày 7-8 tháng ba âm lịch: rước có kiệu văn, nhạc bát âm, người rước chỉnh tề áo khăn màu đỏ. Cuối hội, hàng trăm người múa, xếp dồn chặt, xoáy trôn ốc, gọi là “nghiềm quân”, như bị giặc bao vây tứ bề. “Ông tướng” cầm cờ đại phá vây, thoát ra rất tài, khó ai biết. Rừng-QG là một dấu tích Làng-Rừng liền kề của văn hoá cội nguồn cư dân Đông Nam Á xưa bên Sông Đáy.
Nguồn tin: Từ điển bách khoa thư Việt Nam
__________
Từ điển này có thông tin về Lý Phục Man nhưng lại chưa thấy ghi về Phạm Tu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét