9.4.11

NHỮNG CUỐN SÁCH VIẾT VỀ DANH TƯỚNG PHẠM TU VÀ LÝ PHỤC MAN

Ngày 01. 10. 2009
Thống kê những cuốn sách tiếng Việt được xuất bản chủ yếu trong 50 năm gần đây viết về Danh tướng Phạm Tu và Lý Phục Man để xem xét vấn đề đồng nhất hai nhân vật mới được những người viết blog nêu trở lại.

SÁCH KHÔNG THỂ HIỆN ĐỒNG NHẤT PHẠM TU LÀ LÝ PHỤC MAN
A. Về hệ thống sách giáo khoa lịch sử cho các trường học
-Tất các cuốn sách giáo khoa lịch sử từ trước đến nay dùng trong nhà trường (sách Lịch sử lớp 6) không có bất kỳ cuốn sách nào đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu.
-Trên mạng dùng cho giáo dục http://violet.vn/ có hơn hai triệu thành viên với đông đảo đội ngũ giáo viên tham gia, các bài giảng về Khởi nghĩa Lý Bí đều nêu hai nhân vật Phạm Tu và Lý Phục Man riêng biệt.
B. Những cuốn sách nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam xuất bản gần đây (sắp xếp theo năm xuất bản). Những cuốn in nghiêng đậm có phân biệt quê hai nhân vật, hoặc nêu hai nhân vật riêng biệt là không đồng nhất.
Trước hết phải kể đến các cuốn sử chép trước đây
1. “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, (dịch từ bản in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) là Nội các quan bản. Bản chính của Nội các quan bản hiện đang lưu giữ tại thư viện của trường Viễn Đông Bác Cổ, Paris.).
Nội dung về Phạm Tu và Lý Phục Man chắc chắn là tư liệu có từ cuốn Đại Việt Sử ký của Lê Văn Hưu (1230-1322) nhà sử học nổi tiếng đời Trần.
2. “Việt Nam sử lược”, Trần Trọng Kim, Nxb. Tân Bắc Trung Văn, 1920.
Các cuốn sử khác cũng thống nhất ghi riêng biệt Phạm Tu, không đồng nhất với Lý Phục Man: “Việt sử” của Ngô Thời Sỹ; “Sử ký” của Trần Trọng Kim...
3. “Việt điện u linh”, tác giả Lý Tế Xuyên, dịch giả Lê Hữu Mục (lời dẫn nhập viết tại Huế, ngày 24-11-1959), Khai Trí, Sài Gòn, 1961.
4. “Đại Nam nhất thống chí”, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1971.
Sách của Quốc sử quán triều Nguyễn soạn từ năm 1852, sách cho rằng Lý Phục Man chết do quân Lâm Ấp.
5. “Danh nhân Hà Nội”, (Hội văn nghệ Hà Nội, xuất bản 1973).
6. “Những người trẻ làm nên lịch sử”, Nguyễn Lương Bích, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1974.
7. “Hà Nội nghìn xưa”, (Sở Văn hóa-thông tin Hà Nội, xuất bản 1975).
8. “Danh nhân quê hương”, Ty văn hoá thông tin Hà Sơn Bình, 1976.
9. Luận án tiến sỹ của Keith Weller Taylor, The University of Michigan, USA, 1976 (Sau in trong The Birth of Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1983). Paperback edition, 1991).
10. “Lịch sử Việt Nam”, Trương Hữu Quýnh, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1977.
“Lịch sử Việt Nam trước thế kỷ X” quyển I-tập I (Sách bồi dưỡng giáo viên) của tác giả Trương Hữu Quýnh được in lại lần thứ hai do Nxb. Giáo dục phát hành năm 1977. Chương thứ tư của cuốn sách (trang 141 đến 153) viết về Khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân. Trang 145 viết: năm 543 Phạm Tu đánh Lâm Ấp và năm sau làm tướng võ của nhà nước Vạn Xuân. Trang 146 có viết về người có công trấn áp các lực lượng chưa thuần phục là Phục Man tướng quân-Lý Phục Man, việc trấn áp ấy được thực hiện khi Lý Bí đã lập xong chính quyền-đã thành lập nhà nước Vạn Xuân. Qua cuốn sách này, tác giả đã không đồng nhất hai nhân vật Phạm Tu và Lý Phục Man là một.
11. “Lịch sử Việt Nam”, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983, tập I.
12. “Từ điển văn hóa Việt Nam”, Vũ Ngọc Khánh, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1993.
13. “Thành hoàng Việt Nam”, Phạm Minh Thảo, Trần Thi An, Bùi Xuân Mỹ, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997, tập II.
14. “Danh tướng Phạm Tu và họ Phạm trong lịch sử”, Phạm Đình Nhân, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1999.
15. “Lễ hội cổ truyền Hà Tây”, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây, 1999.
16. “Lịch sử Hà Tĩnh”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập I.
17. “Nghìn Xưa Văn Hiến”, Trần Quốc Vượng (chủ biên), tái bản lần 1, Nxb. Hà Nội, 2000, tập I.
18. “Việt Nam-những sự kiện lịch sử”, Viện Sử học, Nxb. Giáo Dục, 2001.
19. “Thiên Nam ngữ lục” (Thơ Nôm), Biên soạn Nguyễn Thị Lâm, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2001.
20. “Thành Hoàng Làng Việt Nam”, Vũ Ngọc Khánh, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2002.
21. “Thăng Long Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ”, Giang Quân, Nxb. Hà Nội, 2002.
22. “Nguyễn Văn Huyên-Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh”, Nguyễn Văn Huyên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tập I.
Contribution à I'estude d'un gesnie tétulaire annamite Ly Phuc Man [Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man], Hanoi.
Học giả Nguyễn Văn Huyên đã viết “Lý Phục Man chỉ là cái tên vua ban. Cả tên lẫn họ đều không phải tên họ của Tướng công lúc ra đời. Được gia ân mang tên họ mới và sau đấy người ta chỉ còn gọi biệt danh đến nỗi tên gốc hoàn toàn biến mất”. (Theo NLG)
23. “Danh tướng Phạm Tu (476-545)…”, Phạm Hồng Vũ, Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, 2003.
24. “Danh nhân Hà Nội”, Vũ Khiêu chủ biên, Nxb. Hà Nội, 2004.
25. “Danh nhân Hà Nội”, Trần Quốc Vượng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
26. “Hà Nội như tôi hiểu”, GS. Trần Quốc Vượng, Nxb. Tôn Giáo, 2005.
27. “Lịch sử Thăng Long Hà Nội”, Nguyễn Vinh Phúc chủ biên, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2005.
28. “Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam”, Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2006.
29. “Danh tướng Việt Nam”, Nguyễn Khắc Thuần, Nxb. Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh, 2006, tập IV.
30. “Nguyễn Hãng-tác phẩm”, Biên soạn Nguyễn Văn Toại, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2007 (Nguyễn Hãng sống đầu thế kỷ 16, cuối thời Lê sơ, đầu thời Mạc).
31. Bộ sách “Họ Phạm trong cộng đồng dân Việt”, 2 tập, gần 1000 trang, Bản thảo do Ban Liên lạc họ Phạm Việt Nam ấn hành nội tộc, Hà Nội, 2007.
32. “Cổng làng Hà Nội xưa và nay”, Vũ Kiêm Ninh, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.
33. “Thăng Long-Hà Nội một nghìn sự kiện lịch sử”, Vũ Văn Quân, Nxb. Hà Nội, 2007.
Trong 27 sự kiện của Hà Nội thời nghìn năm Bắc thuộc, có sự kiện thứ 3: “Khởi nghĩa Lý Bí năm 542 với sự tham gia của nhân dân Hà Nội” mà đứng đầu là danh tướng Phạm Tu. Đặc biệt là việc nêu tóm tắt tiểu sử nhân vật Phạm Tu (duy nhất một nhân vật dù không phải là lãnh tụ như Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, …). Trong tổng số 11 câu viết về sự kiện này đã dành 9 câu nói về Phạm Tu. Có lẽ tác giả đã vô tình nêu lên vị trí đặc biệt của nhân vật lịch sử Phạm Tu đối với kinh đô ngàn năm của nước Việt và phần nào giúp hiểu rõ vai trò của ông đối với đất Long Đỗ cổ, Thăng Long xưa và Hà Nội nay. "Sinh vi tướng tử vi thần", ông chính là một vị thần uy linh của Hà Nội.
34. “Hà Nội xưa và nay”, Vũ Tuân Sán, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2007.
35. “Các triều đại Việt Nam”, Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2007. Sách này nêu rõ việc Phạm Tu hy sinh tại cửa sông Tô Lịch.
36. “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam”, Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2008.
37. “Việt Nam Các Nhân Vật Lịch Sử-Văn Hóa”, Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quýnh, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2008.
38. “54 vị hoàng đế Việt Nam”, Đặng Việt Thủy và Đặng Thành Trung, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008.
39. “Hà Nội nghìn xưa”, Trần Quốc Vượng và Vũ Tuân Sán, Nxb. Hà Nội, 2009
40. “Hỏi đáp về những ngôi đình nổi tiếng ở Việt Nam”, Đặng Việt Thủy, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
41. “Việt Nam biên niên sử”, Đặng Duy Phúc, Nxb. Hà Nội, 2009.
42. “Ngàn năm văn hóa đất Thăng Long”, Hồ Phương Lan, Nxb. Lao động, 2009.
43. “Đô Hồ Đại vương Phạm Tu”, Phạm Hồng Vũ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2010.
...
Còn có nhiều cuốn sách viết về Lý Bí, nhà nước Vạn Xuân cùng nhiều sách lịch sử văn hóa khác.
Ngoài ra có sách Trung Quốc “Tư trị thông giám” của Tư Mã Quang (q. 158) cũng ghi: “Mùa hè tháng tư, vua Lâm Ấp tiến công Lý Bí, viên trưởng của (Lý) Bí là Phạm Tu đã phá quân Lâm ấp ở Cửu Đức”.
Tư Mã Quang: tiếng Trung Quốc: 司馬光/司马光; bính âm: Sima Guang; Wade-Giles: Szuma Kuang; (1019-1086), tự Quân Thật 君實, hiệu Vu Tẩu 迂叟, là một nhà sử học, học giả Trung Quốc, Thừa tướng thời nhà Tống.
Từ hơn 40 cuốn sách chủ yếu xuất bản 50 năm trở lại lại đây (trong đó có sử sách cổ của quốc gia), căn cứ vào thời đại của tác giả chúng ta biết: chưa thấy có việc đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu từ các mốc thời gian:
- Thế kỷ thứ 6, chính sử ghi vào năm 543 và 544 Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp và đứng đầu quan võ nhà nước Vạn Xuân
- Thế kỷ 11, năm 1016 với giấc mộng của Lý Thái Tổ thấy thần Lý Phục Man đã ghi trong chính sử
- Thế kỷ 11 với Tư Mã Quang (1019-1086) là nhà sử học, học giả nhà Tống
- Thế kỷ 14 với Lý Tế Xuyên viết “Việt điện u linh tập” năm 1329
- Đầu thế kỷ 16 với Nguyễn Hãng thời nhà Mạc
- Thế kỷ 17-18 với các tác giả bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”; tác giả Gia Cát thị cuốn “Việt điện u linh tập tân đính hiệu bình”; và ở cuốn “Thiên Nam ngữ lục”
- Thế kỷ 19 (từ năm 1852) với các tác giả “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn
- Năm 1934 với Phụng Nghị đại phu Vũ Văn Đức đã chép thần phả Đình Ngoại từ Đền Hùng
- Năm 1939 với học giả Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) không xác định “tên khai sinh” của Lý Phục Man
- Năm 1959 với dịch giả Lê Hữu Mục trong cuốn “Việt điện U linh tập” của Lý Tế Xuyên
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước có nhiều cuốn sách xuất bản phân biệt rõ hai nhân vật. Tuy nhiên năm 1968 cuốn Đình Yên Sở của Ty Văn hóa-thông tin Hà Tây có đề cập đến việc đồng nhất.
Năm 1982 các nhà sử học trong và ngoài Quân đội cùng các cộng sự đã khảo sát kỹ lưỡng tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì và xã Yên Sở, Hoài Đức. Ngày 25/12/1982, tại xã Yên Sở đã diễn ra hội thảo khoa học về Lý Phục Man. Trong Hội thảo có một số báo cáo cho rằng có thể đồng nhất hai nhân vật Phạm Tu và Lý Phục Man.
Khi có bài báo “Phạm Tu với nhà nước Vạn Xuân”, báo Hà Nội mới ra ngày 11/9/1983, vấn đề công khai rộng rãi trên báo chí do Đàm Hưng viết: “Vì thế ông được Lý Nam Đế phong chức Phục Man tướng công và cho đổi họ. Vì thế dân gian gọi Phạm Tu là Lý Phục Man”.
Bài báo này hoàn toàn sử dụng tài liệu thần tích Đình Ngoại, và khẳng định quê của Phạm Tu ở Thanh Liệt nhưng lại mang thông tin của Lý Phục Man (được phong Phục Man tướng quân, mang quốc tính, gọi là Lý Phục Man) ở làng Giá gán cho Phạm Tu ở Thanh Liệt (xem bản sao bài báo ở phần phụ lục). Điều này không thấy ghi trong các tư liệu về Phạm Tu ở Thanh Liệt.
Có lẽ từ việc công khai trên báo chí đã giúp cho các suy đoán Lý Phục Man là Phạm Tu phát triển, do vậy đã có một số người đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu ở vài cuốn sách sau đây:
SÁCH ĐỒNG NHẤT HAI NHÂN VẬT PHẠM TU VÀ LÝ PHỤC MAN
Sớm nhất phải kể đến cuốn Đình Yên Sở của Ty Văn hóa-thông tin Hà Tây viết năm 1968, đã xuất hiện vấn đề đồng nhất, tuy nhiên chúng tôi chưa tiếp cận được tư liệu này.
1. “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế; Huỳnh Lứa duyệt và hiệu chỉnh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
Chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại, gửi email có kèm bản thảo chuyên đề này đến tác giả Nguyễn Q. Thắng. Với mục đích xin tác giả cho biết về nguồn tư liệu để viết về Phạm Tu trong cuốn sách này. Rất tiếc tác giả đã tuổi cao lại mới phẫu thuật mắt nên chúng tôi chưa nhận được câu trả lời chính thức. Qua các cuộc gặp trực tiếp và gián tiếp, tác giả có nêu lên ngay chính Toàn thư cũng có thể đồng nhất hai nhân vật lịch sử này. Nhưng theo bài viết “Tìm cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu qua tài liệu cổ” (xem tr. 70) chúng ta thấy tác giả Nguyễn Q. Thắng nêu ra lý do đồng nhất 2 nhân vật chưa có sức thuyết phục. Do trong Toàn thư ghi hai việc xảy ra cách nhau gần 500 năm mà một bên Phạm Tu là người thực và một bên Lý Phục Man là vị thần trong chiêm bao. Mặc dù có thể thấy Lý Thái Tổ là vị thiên tử có khả năng đặc biệt mà ngày nay chúng ta có thể gọi là nhà ngoại cảm. Tuy vậy những lo toan cho vận mệnh nước nhà của nhà vua sẽ có phần nào đó được thần thánh hóa trong một vài sự việc xảy ra, tạo nên sự huyền bí có lợi cho việc trị vì của nhà vua và có ích cho xã tắc.
2. “Văn bia Quán Giá”, Nguyễn Bá Hân, Nxb. Thế Giới, 1995.
Ngoài nội dung 5 văn bia được ghi chữ Nho và dịch công phu (hoàn toàn không có một ý nào đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu), tác giả có kèm tư liệu “Sự tích tướng công Lý Phục Man” từ trang 259-265 được cho là tư liệu lưu tại Phòng Bảo tàng Quán Giá với nguồn tư liệu từ thần phả, văn bia và sử. Việc làm này đã làm mất đi phần nào giá trị của cuốn sách và ảnh hưởng uy tín của người giới thiệu. Do không có nhiều giá trị về sử học và xuất xứ không rõ ràng, không thấy tên tác giả, thời gian xuất hiện. Sự tích này đã đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu. Chúng ta nhận thấy đây là tài liệu viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ (không phải là tài liệu cổ, chữ Nho) bởi có những câu mang đậm dấu ấn thế kỷ 20, ở trang 262 có câu: “Tin cấp báo về tới Lý Bôn và các bạn chiến đấu của ông.” Thư viện Bình Định còn lấy tên dị bản (Văn bia đền thờ Phục Man tướng công Phạm Tu) ở cuối cuốn sách thay cho tên cuốn sách được phép xuất bản.
Sau khi gửi thư đóng góp ý kiến tới Nxb. Thế giới, chúng tôi được biết Nhà xuất bản sẽ gửi bản thảo chuyên đề này đến tác giả Nguyễn Bá Hân. Hầu hết các sách mà tác giả này công bố đều thể hiện ý muốn đồng nhất 2 nhân vật.
3. “Lịch sử quân sự Việt Nam”, GS. Trần Quốc Vượng. Lê Đình Sỹ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, Tập II.
Cuốn sách này không khẳng định việc có thể đồng nhất hai nhân vật: “Phạm Tu và Lý Phục Man là một hay hai người và quan hệ với nhau như thế nào, đấy là một vấn đề được đặt ra từ rất lâu, nhưng chưa đủ cứ liệu khoa học để kết luận.” Nhưng chính trong cuốn sách này lại có nhiều chỗ dùng thông tin về Lý Phục Man ở Yên Sở rồi thay tên Phạm Tu vào, theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đơn cử như câu: “Năm 1016, vua Lý Thái Tổ qua bến Cổ Sở, đã sai lập đền thờ và đắp tượng Phạm Tu.” (xem tr. 53 trích Toàn thư ghi sự việc này không phải là Phạm Tu).
4. “Hành trình về làng Việt cổ”, Bùi Xuân Đính, Nxb. Từ điển bách khoa, H. 2008, tập I (xem tr. 12).
5. “Sự tích đức thánh Giá”, Yên Sơn Nguyễn Bá Hân, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
Trong Thiên Nam minh giám cũng có viết đến Phạm Tu, (Tiền Nam đế dâng công mở nước/ Tôi thuẫn thành dùng được Phục, Tu) ở chú thích của soạn giả Hoàng Thị Ngọ cho là Phạm Tu quê ở Yên Sở, Hoài Đức. (tr. 24)
Còn một số cuốn nêu lên nghi vấn mà không nêu ra được cơ sở để khẳng định tính khoa học của vấn đề đồng nhất như:
-“Địa chí Hà Tây” của Sở Văn hóa thông tin Hà Tây, 2007. Cuốn này nêu rõ: “Chính sử nước ta và sử Trung Quốc (Lương thư) chỉ chép duy nhất có một vị tướng tham gia đánh Lâm Ấp là Phạm Tu. Có thể Phạm Tu sau này được ban quốc tính và được đặt tên là Lý Phục Man.” Nghi vấn này được dẫn từ cuốn “Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X”, Đỗ Văn Ninh, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1999.
...
Ngoài ra, theo thông tin từ Nxb. Hà Nội, còn có một cuốn sách xuất bản nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long: “Thăng Long-Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm” của PGS, TS Lê Đình Sỹ. Trong buổi họp nghiệm thu bản thảo có nhận xét của PGS, TS. Viện trưởng Viện Sử học Nguyễn Văn Nhật là: Một số khái niệm cần thống nhất: Lý Phục Man và Phạm Tu, là một người hay 2 người (Tr. 47, 48), … . Đặc biệt là ý kiến của GS Phan Huy Lê kết luận: “Quan điểm về Phạm Tu và Lý Phục Man là 1 người hay 2 người hiện nay chưa thống nhất, tác giả không nên khẳng định.”
Chúng tôi đã gửi bản thảo chuyên đề này đến Nxb. Hà Nội nhưng sách đã xuất bản mà vẫn chưa có hồi âm.
Hàng loạt sách về Thăng Long-Hà Nội phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cũng sẽ đề cập đến một nhân vật lịch sử hàng đầu của Thăng Long-Hà Nội xưa, đó chính là tướng quân Phạm Tu. Tiêu biểu có cuốn 36 danh tướng Thăng Long-Hà Nội. Đặc biệt cuốn Danh nhân quân sự Việt Nam (thời Âu Lạc đến Tiền Lê) do Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam chỉ đạo, TS. Lê Văn Thái chủ biên đã đánh giá cao vai trò của Danh tướng Phạm Tu (476-545) đối với Dân tộc, một vị Tổng chỉ huy là anh hùng liệt sỹ. Trong tập sách có 17 danh nhân (gồm 9 vị quân vương và 8 Danh tướng) đã có 3 vị danh tướng họ Phạm là dòng dõi Phạm Tu (Theo thứ tự có: 6. Phạm Tu; 14. Phạm Bạch Hổ; 16. Phạm Cự Lạng.)
Tóm lại: Các cuốn sử lớn của nước ta và hệ thống sách giáo khoa đều không đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu. Chủ biên sách và các tác giả có nhiều nhà nghiên cứu uy tín trong giới khoa học qua nhiều tác phẩm không thể hiện việc đồng nhất. Chúng ta thấy tên nhiều nhà khoa học trong số các vị: GS. Nguyễn Văn Huyên (1908-1975), GS. Trần Quốc Vượng (1934-2005), Vũ Tuân Sán (sinh 1915), GS. Vũ Khiêu (sinh 1916), GS. Đinh Xuân Lâm (sinh 1925), GS. Vũ Ngọc Khánh (sinh 1927), Nguyễn Vinh Phúc (sinh 1927), Trương Hữu Quýnh (sinh 1935), Ngô Đức Thọ (sinh 1936), Trần Lê Sáng, Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, Hồ Phương Lan, Giang Quân, Đặng Việt Thủy, PGS. TS. Vũ Văn Quân (sinh 1963), … Trong đó các vị “tứ trụ” “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” (tức gồm các Giáo sư: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) của sử học Việt Nam đương đại đều quan tâm đến vấn đề đồng nhất mà sao vẫn chưa có kết luận vấn đề?
Việc đồng nhất chỉ có ở một vài tác phẩm với những tác giả cụ thể. Cả năm cuốn sách đồng nhất đều không đưa ra căn cứ để xác định tính khoa học của việc đồng nhất do vậy chỉ là những nghi vấn đang cần các nhà khoa học lý giải.
Tài liệu tham khảo
Một số cuốn sách nêu trên; Lão tướng Phạm Tu của GS. Lê Văn Lan
Các bài báo có trong phụ lục.
Blog NLG: http://nguyenthedung.vnweblogs.com/
Các trang web:
http://thanglonghanoi.gov.vn/; http://www.vinabook.com/; http://www.nxbhanoi.com.vn/; http://www.quansuvn.net/; http://www.lichsuvietnam.info/; http://vi.wikipedia.org/; …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét