Qua các tài liệu lưu hành 50 năm trở lại đây mà chúng tôi đã khảo sát, ở các tài liệu có trước năm 1980, đặc biệt quan trọng là ba tấm văn bia cổ ghi sự tích của Quán Giá không có một chỗ nào đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu. Đáng chú ý là quốc sử của ta và Trung Quốc cùng hệ thống sách giáo khoa đã không đồng nhất hai nhân vật này. Đến nay có thể khẳng định: tài liệu hiện có về Lý Phục Man phát hành trước năm 1980 không đủ cơ sở cho ông là Phạm Tu người đứng đầu ban Võ nhà nước Vạn Xuân. Tài liệu về Phạm Tu cũng không thể chứng minh ông là Lý Phục Man. Trong khi thông tin về tiểu sử hai nhân vật cũng là riêng biệt mà không thể đồng nhất được: đó là quê hương, tên họ hai vị thân sinh và năm sinh của từng nhân vật. Về tư liệu, có nhiều mâu thuẫn, thiếu cơ sở nên không thể đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu.
Tuy vậy vẫn xảy ra suy đoán trong dân gian, nhưng không đủ cơ sở về khoa học lịch sử. Phải tìm hiểu kỹ lưỡng để hiểu tường tận vấn đề này. Người viết lại Sự tích tướng công Lý Phục Man (bản quốc ngữ đã nêu cuối cuốn “Văn bia Quán Giá”) đã có nhiều hư cấu không thích hợp và không đứng tên dưới tài liệu soạn lại của mình mà chỉ viết dạng tài liệu tuyên truyền trong làng. Chúng ta thấy sự tích thường để giải thích điều gì đó bằng câu chuyện về thời xa xưa không rõ có thực hay không.
Một góc độ khác, huyền bí giữa thực và ảo-vấn đề tâm linh có thể liên quan đến sự xuất hiện của thần Lý Phục Man: Vào năm 1016, danh tướng Phạm Tu có hiện về trong giấc mộng của Lý Thái Tổ mà xưng là thần Lý Phục Man hay không? Ngày nay, câu hỏi đó phải nhờ sự giải đáp của vị Thành hoàng Thăng Long-Hà Nội để loại trừ sự hoài nghi kéo dài bấy lâu.
Theo thần tích của hai làng: Hãy để quê hương của Phạm Tu ở làng Quang Liệt (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) và thần Lý Phục Man ở làng Giá (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội) là một cách làm tôn trọng lịch sử. Không có cơ sở đồng nhất, hãy sử dụng tư liệu về từng nhân vật riêng biệt, không nên lẫn lộn để làm phức tạp vấn đề.
Hà Nội, tháng 10. 2009
Tháp Bút
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét