Ngày 12. 9. 2009
Việc đồng nhất hai người là võ tướng dưới thời Lý Nam Đế đến nay chưa có hồi kết. Những tài liệu cổ ghi chép về hai vị không có nhiều bởi các sự kiện xảy ra thời nghìn năm Bắc thuộc rất hiếm nên không đầy đủ và khó khăn trong thẩm định. Tuy nhiên có việc đồng nhất này tất phải có lý do, trong đó phải xét đến nguồn tư liệu. Chúng ta thử khoanh vùng tư liệu xem từ đâu có việc đồng nhất này. Có thể chia làm 3 mảng tài liệu chính: Tài liệu chính thống xưa (gọi là Tài liệu cổ như cổ sử, văn bản cổ, văn bia, thần phả), tài liệu xuất bản hiện đại (Tài liệu hiện nay như sách, báo) và tư liệu khác trong dân gian như gia phả, truyền thuyết, truyền ngôn, … (gọi là tư liệu dân gian).
Nay chúng ta ưu tiên tài liệu cổ vì đó là tài liệu chính thức có trước và lại có cơ sở xác định niên đại. Còn sách hiện nay viết về hai nhân vật này sẽ dựa trên cơ sở là hai nguồn tư liệu kia.
A. CHÍNH SỬ
1. Đại Việt sử ký toàn thư (cuốn A1) là chính sử xưa nhất hiện còn tồn tại được khắc in và công bố lần đầu tiên vào năm 1697, Chính Hòa thứ 18 thời Lê Hy Tông. Sách đã ghi về 2 nhân vật như sau:
-Phạm Tu:
+ Mùa hạ năm Quý Hợi 543, tháng 4 vua Lâm Ấp cướp phá quận Nhật Nam, vua Lý Nam Đế sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở Cửu Đức;
+ Tháng giêng năm Giáp Tý 544, Lý Nam Đế lập nhà nước Vạn Xuân, lấy Triệu Túc làm Thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu làm tướng văn, tướng võ.
-Lý Phục Man: năm 1016 xuất hiện là vị thần trong giấc mộng của Lý Thái Tổ khi vua đi tuần thú qua Cổ Sở.
B. NGOÀI CHÍNH SỬ
1. Việt điện u linh tập (cuốn B1) do quan Phụng ngự Lý Tế Xuyên, biên soạn vào thời Lý-Trần dựa theo các tài liệu có trong thư khố triều đình.
-Phạm Tu: Trong truyện “Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế” ghi việc Lý Bôn cử ông đánh Lâm Ấp
-Lý Phục Man: Trong truyện “Chứng an minh hộ quốc công-Lý Phục Man” đầu truyện kể giấc mộng của Lý Thái Tổ gặp thần (giống trong cuốn A1), sau kể các chuyện linh ứng của thần.
2. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập (cuốn B2) của Gia Cát thị cuối thế kỷ 18 viết từ B1. Trong tác phẩm có truyện Vạn Xuân quốc đế ký ghi hai nhân vật đánh quân Lương ở Hợp Phố
-Phạm Tu là Hữu vệ hộ quân
-Lý Phục Man là Tả vệ hộ quân
Truyện này có nói đến quân Vạn Xuân chia đôi, từ Khuất Liêu, bên Lý tiến vào Cửu Chân và bên Triệu về Dạ Trạch.
3. Thiên Nam ngữ lục (cuốn B3) có từ thế kỷ 18 không rõ tác giả. Trong đó hai nhân vật xuất hiện ở 4 câu liên tiếp:
Phục Man trấn thủ cõi xa
Nghe tin Nam Đế phải thua Triệt Hồ
Vua cùng tướng quân Phạm Tu
Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời
Xem thêm phân tích của PGS. TS. Trương Sỹ Hùng ở trang 25, 26 để thấy cuốn B3 phân biệt rõ hai nhân vật.
4. Lĩnh Nam trích quái: Một tài liệu cổ khác cần xem xét, sách được cho là do Trần Thế Pháp biên soạn vào cuối đời Trần. Vũ Quỳnh và Kiều Phú biên soạn lại và hiệu đính vào năm 1492-1493. Trong chuyện về Triệu Việt Vương có nói đến Lý Bí cử Phạm Tu đánh giặc ở Cửu Đức, còn chuyện về Lý Phục Man cũng viết tương tự cuốn “Việt điện u linh tập”. Vậy tài liệu này thống nhất với cuốn B1.
Như vậy chuyện ngoài chính sử xét về việc đồng nhất không có phần nào mâu thuẫn với chính sử. Cuốn B2, B3 đã cho Lý Phục Man xuất hiện là một nhân vật cùng thời Phạm Tu, hai nhân vật riêng biệt, hoàn toàn không đồng nhất. Có khác là cuốn B2 đã cho Lý Phục Man xuất hiện chỉ huy Tả quân, Phạm Tu chỉ huy Hữu quân đánh quân Lương ở Hợp Phố. Cuốn B3 thì cho là Lý Phục Man trấn thủ cõi xa (có thể miền Đỗ Động, Đường Lâm hoặc phương Nam-xứ Nghệ ngày nay) khi quân Lý Nam Đế thua ở hồ Điển Triệt (năm 547), còn Phạm Tu mất cùng Lý Nam Đế ở động Khuất Liêu.
Qua 5 tài liệu nêu trên thì B2, B3 là những sáng tác mang tính văn học đã nêu 2 nhân vật độc lập. Nếu muốn đồng nhất hai nhân vật thì phải loại hai tài liệu này, vì đó là sáng tác văn học, mà B3 còn không rõ tác giả. Hai tài liệu ở thế kỷ 18 này đã nêu hai nhân vật riêng biệt.
Cả hai cuốn A1, B1 tài liệu có nhân vật Lý Phục Man, với vị trí đều là một vị thần tự xưng tên Lý Phục Man và khi còn sống là võ tướng của Lý Nam Đế, không có một sự kiện lịch sử của nhân vật này ngoài việc thần xưng cai quản Đỗ Động, Đường Lâm. Lý Phục Man qua tài liệu cổ xem xét để đồng nhất thì là vị thần nên chưa có căn cứ để đồng nhất hai nhân vật này.
Còn Phạm Tu cũng xuất hiện trong sự kiện lịch sử ghi rõ thời gian xảy ra và có vị trí chỉ huy rõ ràng. Phạm Tu được nhắc đến 2 lần trong chính sử có công đánh giặc phương Nam (hai cuốn A1, B1) và đứng đầu tướng võ (cuốn A1) của triều đình Lý Nam Đế thời kỳ này. Các nhà nghiên cứu hiện nay xác thực thông tin về Phạm Tu và chiến thành dựng bên cửa sông Tô cùng việc hy sinh của ông tại đây. Trong đó có căn cứ từ sử thời nhà Lương, Trần (Bá Tiên) của Trung Quốc.
Một mảng tài liệu quan trọng đó chính là văn bia. Chúng ta sẽ nghiên cứu riêng về mảng tư liệu chính thống này ở một bài riêng.
Rõ ràng có một số tài liệu xuất bản hiện đại đã đồng nhất hai nhân vật, nhưng căn cứ là mảng tài liệu xuất bản cổ và tư liệu xưa trong dân gian. Vì không tìm được tài liệu cổ nào khác nên ta rút ra nhận xét ban đầu: không có cơ sở đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu xuất phát từ Tài liệu cổ hiện còn lưu giữ được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét