Theo GS. Lê Văn Lan: "... có việc đồng nhất Phạm Tu với một vị thần là Lý Phục Man, được sách cổ “Việt điện u linh” chép từ đầu thế kỷ 14, và là vấn đề sử học được nêu ra đã lâu nhưng chưa được giải quyết."
Cuốn thông sử mới nhất Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X, do Đỗ Văn Ninh chủ biên (2001) thận trọng chú thích: “Lý Phục Man là một nhân vật chưa xác định được rõ ràng nguồn gốc. Có người cho rằng Lý Phục Man với Phạm Tu là một. Vấn đề này cần được chứng minh.”
Theo cuốn “Lịch sử quân sự Việt Nam”, GS. Trần Quốc Vượng. Lê Đình Sỹ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, Tập II:
Cuốn sách này không khẳng định việc có thể đồng nhất hai nhân vật: “Phạm Tu và Lý Phục Man là một hay hai người và quan hệ với nhau như thế nào, đấy là một vấn đề được đặt ra từ rất lâu, nhưng chưa đủ cứ liệu khoa học để kết luận.”
PGS. TS. Bùi Xuân Đính hiện là Viện trưởng Viện Dân tộc cũng đã đề cập đến vấn đề đồng nhất khi viết về Lý Phục Man:
“Tên chính của ông là Phạm Tu-một võ tướng, một trụ cột của triều đình Lý Nam Đế. Ý kiến này hiện vẫn chưa được giới khoa học khẳng định một cách chắc chắn”. Đó là ý kiến trong “Hành trình về làng Việt cổ” của PGS. TS. Bùi Xuân Đính nhưng khi ông khi viết về làng Thanh Liệt lại ghi: "Thế kỷ thứ VI, làng Thanh Liệt sản sinh một người con trở thành vị tướng tài là Phạm Tu (476-548)".
Theo thông tin từ Nxb. Hà Nội, khi họp nghiệm thu bản thảo cuốn: “Thăng Long-Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm” của PGS, TS Lê Đình Sỹ, có nhận xét của PGS, TS. Viện trưởng Viện Sử học Nguyễn Văn Nhật là: Một số khái niệm cần thống nhất: Lý Phục Man và Phạm Tu, là một người hay 2 người (Tr. 47, 48), …. Đặc biệt là ý kiến của GS Phan Huy Lê kết luận: “Quan điểm về Phạm Tu và Lý Phục Man là 1 người hay 2 người hiện nay chưa thống nhất, tác giả không nên khẳng định.”
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc không tán thành quan điểm đồng nhất hai nhân vật này. Theo ông, danh nhân Phạm Tu ghi trong sử sách, thần Lý Phục Man được nhân dân tôn thờ đều là những nhân vật rạng rỡ với Đất nước, rất xứng đáng. Không phải gượng ép đồng nhất để mong muốn đề cao một người, đó là điều không cần thiết.
Đã có lúc GS. Lê Văn Lan bảo vệ quan điểm đồng nhất từ làng Giá, nhưng mới đây, trên trang 29 tạp chí Người Hà Nội số 96 (ngày 29-10-2010) trong bài “Lý Nam Đế xây đài Vạn Xuân” tác giả đã viết:
“Khởi đầu là việc dựng cờ khởi nghĩa vào năm 542, chống lại nhà Lương ở phương Bắc sang đô hộ nước Việt. Đó là cuộc khởi nghĩa toàn dân, có được rất nhiều anh tài, dũng sĩ khắp nơi theo về ủng hộ. Văn thì có tinh Thiều, Triệu Túc. Võ thì có Phạm Tu, Lý Phục Man. Và những nào là Lý Hùng, Lý Thiên Bảo, đặc biệt là Triệu Quang Phục (chính là con trai của Triệu Túc, sau này sẽ kế nghiệp Lý Bí mà trở thành thủ lĩnh: Triệu Việt Vương).”
Trong số 11 công dân Thủ đô ưu tú, có ba nhà khoa học GS. Vũ Khiêu, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, GS. Phan Huy Lê đều đã bàn đến vấn đề đồng nhất, một vấn đề lịch sử của ngàn năm Thăng Long. Đến nay chúng ta có thể thấy dần thống nhất: không tìm thấy cơ sở khoa học để đồng nhất Lý Phục Man với Phạm Tu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét