21.9.11

Danh tướng Phạm Tu và Lý Phục Man là một hay hai người?

Xung quanh nhân vật lịch sử Phạm Tu lâu nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau trong giới nghiên cứu lịch sử. Đó là Phạm Tu có phải là Lý Phục Man không? Quê hương Phạm Tu nơi nào? Ông mất ở đâu, vào năm nào và được mai táng ở vùng nào? Do thông tin từ chính sử quá sơ sài, còn tư liệu dân gian, thần tích, huyền thoại thì phản ánh rất khác nhau; nên mặc dù các nhà sử học đã viết nhiều, thảo luận nhiều về Phạm Tu, nhưng ý kiến vẫn còn phân tán. Đặc biệt vấn đề giữa phạm Tu và Lý Phục Man còn gây tranh luận. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc tôn vinh vị anh hùng khai quốc công thần triều Tiền Lý, người đã có cống hiến lớn lao và hy sinh oanh liệt trong cuộc chiến đấu vì nền độc lập tự chủ của dân tộc.
Về mối quan hệ giữa Phạm Tu và Lý Phục Man, đến nay vẫn còn tồn tại ba quan niệm: thứ nhất, cho Phạm Tu và Lý Phục Man chỉ là một người; thứ hai, khẳng định đó là hai nhân vật lịch sử riêng biệt; thứ ba, còn hoài nghi chưa kết luận.
Các nhà nghiên cứu khẳng định Phạm Tu không phải Lý Phục Man đưa ra nhiều lập luận:
1-Phạm Tu là một lão tướng, là quan Tể tướng của triều đình Vạn Xuân, người đứng đầu Ban Võ, thì không thể có chuyện được cử đi trấn trị ở các vùng Đường Lâm và Đỗ Động trong khi đó vùng trọng yếu hơn vẫn là biên thùy phía Bắc? Do vậy, đứng đầu đất Đỗ Động và Đường Lâm hẳn là Lý Phục Man, chứ không phải là Phạm Tu.
2-Nói rằng Lý Nam Đế gả công chúa Phương Dung (tức Lý Nương) cho Phạm Tu là không đúng. Bởi vì, Phạm Tu sinh năm 476, Lý Bí sinh năm 498, nghĩa là Phạm Tu nhiều hơn 22 tuổi. Lý Nam Đế gả công chúa cho Phạm Tu sớm nhất là năm 542, lúc đó Phạm Tu đã 67 tuổi rồi. Một công chúa trẻ không thể gả cho một lão tướng đáng tuổi cha của nhà vua và đáng tuổi ông của công chúa. Vị phò mã đó chắc phải là Lý Phục Man, người thuộc thế hệ sau Phạm Tu, mới đúng.
3-Nói vua Lý Nam Đế ban quốc tính (họ Lý) cho Phạm Tu cũng chưa hẳn đúng, bởi vì, lúc đó còn có hai vị đại công thần khác là Thái phó Triệu Túc và người đứng đầu Ban Văn là Tinh Thiều, tại sao không được vua ban quốc tính? Chẳng lẽ lúc ấy Lý Nam Đế lại thiên vị Phạm Tu? Trong khi đó, từ khi Lý Bí khởi nghĩa (541) đến lúc ông mất (548) là 7 năm, mà Phạm Tu là một lão tướng còn phò mã Lý Phục Man là một tướng trẻ tuổi, cho nên không thể coi hai người là một? Xét theo tuổi tác thì hai ông thuộc hai thế hệ khác nhau và đó là hai người khác nhau. Lý Phục Man luôn ở bên cạnh Lý Nam Đế và cùng mất năn 548 ở động Khuất Lão.
Cũng có nhà nghiên cứu căn cứ vào sách Thiên Nam ngữ lục, cho rằng Phạm Tu và Lý Phục Man là hai vị tướng khác nhau cùng tham gia đánh Lâm Ấp; hoặc Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp, rồi sau đó Lý Bí mới cử Lý Phục Man vào trấn giữ vùng biên thùy phía Nam, chứ không phải coi giữ ở Đường Lâm và Đỗ Động như một số tài liệu nói; thêm nữa, hai ông lại có quê hương khác nhau, một người ở Thanh Đàm (Thanh Liệt), một người ở Cổ Sở (Hoài Đức)…
Từ những lập luận như vậy, họ khẳng định Phạm Tu và Lý Phục Man là hai nhân vật lịch sử khác biệt; Phạm Tu sinh năm 476 và mất năm 545, còn Lý phục Man mất năm 548, chưa rõ năm sinh.
Chúng ta trân trọng những ý kiến nói trên. Tuy nhiên, những lập luận như vậy, theo tôi, mới chỉ là suy đoán, chưa có chứng cứ khoa học, không dựa vào chính sử và do đó chưa thực sự thuyết phục.
Sau khi nghiên cứu các nguồn sử liệu và các bài viết, tác giả bài viết này (LĐS) cho rằng, quan niệm Phạm Tu và Lý Phục Man là cùng một nhân vật lịch sử thì hợp lý hơn, bởi những chứng cứ như sau:
Một là, chính sử của ta, các sách Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục,… khi viết về khởi nghĩa Lý Bí đều không chép về Lý Phục Man mà chỉ chép về Phạm Tu được Lý Bôn (Lý Bí) cử đi đánh và phá tan được giặc Lâm Ấp ở Cửu Đức (Hà Tĩnh, năm 543). Cuốn dã sử Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV), cũng như văn bía ở Quán Giá soạn năm Bảo Thái thứ 9 (năm 1728) và nhiều truyền thuyết cho rằng chiến công đánh tan quân Lâm Ấp thuộc về Lý Phục Man. Chúng ta đều biết, Lý Bí-Lý Nam Đế ở ngôi 7 năm, từ 541 đến 547, trong 7 năm đó chỉ thấy chép một lần đánh quân Lâm Ấp, tức năm 543. Do đó, so sánh hai nguồn tư liệu nói trên thì Phạm Tu chính là Lý Phục Man.
Hai là, sách Đại Việt sử ký toàn thư và sách Việt sử thông giám cương mục đều chép: “Mùa Xuân, tháng Giêng, năm Thiên Đức năm thứ nhất (544), vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc truyền đến muôn đời. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm Thái phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu làm tướng văn, tướng võ.”(1) trong triều đình nhà nước Vạn Xuân thời ấy có hai ban văn và võ, Tinh Thiều đứng đầu Ban Văn, Phạm Tu đứng đầu Ban Võ. Sách Việt điện u linh lại chép: Lý Phục Man được phong chức Thái úy, đứng đầu các quan trong Ban Võ. Chức Thái úy theo quan chế thời xưa là một trong ba chức quan trọng nhất của Tam Thái: Thái sư, Thái bảo và Thái úy. Thái úy là chức quan đứng đầu hàng võ. Như vậy, cả chính sử và dã sử đều thống nhất nói về một chức quan võ; và người đứng đầu hàng ngũ võ quan trong triều ấy chính là Phạm Tu hay Lý Phục Man; cả hai tên cũng chỉ là một người mà thôi.
Ba là, chính sử chép, Lý Bí đặt trăm quan, lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ. Như thế, trong ba người giữ vai trò chủ chốt nhất giúp Lý Nam Đế trên ba lĩnh vực quan trọng khi mới dựng nghiệp thì chỉ có một vị quan võ là Phạm Tu. Điều này chứng tỏ, Phạm Tu và Lý Phục Man chỉ là tên gọi khác nhau của một người. Cái tên Lý Phục Man được lý giải là do Phạm Tu có công lớn nên được vua ban quốc tính (họ Lý) và danh hiệu là Phục Man; được vua gả công chúa, chọn làm phò mã. Khi Phạm Tu làm quan trấn ải biên cương thì mang tên Đỗ Động tướng quân; và có lẽ cũng từ đó cái “tục danh” Phạm Tu dần lui vào quá khứ. Phục Man tướng quân là tướng giỏi chinh phục quân Man, ở đây là chỉ quân Lâm Ấp và những lực lượng cát cứ chống đối. Chính sử chỉ chép tên Phạm Tu, không nói đến Lý Phục Man. Tên gọi Lý Phục Man chỉ được phản ánh trong dã sử, trong chuyện kể dân gian, trong thần tích, truyền thuyết. Cuốn dã sử Việt điện u linh là thư tịch cổ duy nhất, đầu tiên cho biết những thông tin về Lý Phục Man. Vì Phạm Tu quá lừng danh về tài đức nên được nhân dân ngưỡng mộ, thần thánh hóa, cho hóa thần và ứng nghiệm linh thiêng trong việc phò vua giúp nước những triều đại sau. Nhiều văn bia, thần tích xuất hiện từ sau thế kỷ XVII trờ đi đều căn cứ vào văn bản Việt điện u linh hoặc Đại Việt sử ký toàn thư mà thay đổi chút ít, để biên soạn thần tích cho phù hợp nơi thờ, chỗ dựng bia Thánh Giá thờ phụng Lý Phục Man; Dẫu vậy, hành trạng công tích mà nhân vật lịch sử từ khi còn mang tính danh Phạm Tu cho đến lúc được vua ban tước hiệu Phục Man và họ Lý của vua, gắn liền với các sự kiện đều thống nhất ở một con người, một triều đại Tiền Lý, được người đời tôn vinh.
Bốn là, tuy chính sử không chép về cái chết của Phạm Tu và Lý Phục Man, nhưng truyền thuyết làng Giá và nhiều nơi thờ Lý Phục Man hy sinh trong trận đánh quân Lương ở cửa sông Tô Lịch ngày 20 tháng 7 Ất Sửu (545), thần tích ở làng Thanh Liệt cũng phản ánh cái chết của Phạm Tu như vậy. Đây cũng là sự trùng hợp thú vị để góp phần khẳng định Phạm Tu cũng là Lý Phục Man, hai người chỉ là một. Như thế, danh tướng Phạm Tu hay danh tướng sau khi chết là danh thần Lý Phục Man chỉ cũng là một người.
Tóm lại, vấn đề Phạm Tu và Lý Phục Man là một hay hai người đã được giới sử học nêu ra từ lâu, nhưng do tư liệu quá ít và tản mạn, nên vẫn chưa giải quyết được dứt điểm việc nhận diện Phạm Tu, do vậy cũng đã và đang gặp khó khăn. Bằng phương pháp so sánh, đối chiếu các nguồn sử liệu, phân tích so sánh các ý kiến khác nhau, chúng tôi cho rằng: đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận Phạm Tu và Lý Phục Man là một nhân vật lịch sử. Đó là vị khai quốc công thần triều Tiền Lý, đứng đầu ban Võ của nhà nước Vạn Xuân người có công lớn trong việc hạ thành Long Biên, đuổi quân đô hộ phương Bắc, giải phóng đất nước, lập nên nhà nước Vạn Xuân độc lập người góp công tham mưu cho Lý Nam Đế xây dựng kinh đô ở vùng đất Hà Nội thời tiền Thăng long, xây dựng chiến thành chống ngoại xâm ở cửa sông Tô Lịch; ông cũng là vị anh hùng đầu tiên cầm quân đánh tan giặc Lâm Ấp, giữ yên bờ cõi biên thùy phía Nam và chính ông đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp bảo vệ kinh thành, bảo vệ đất nước. Nghiên cứu nhận diện chính xác nhân vật lịch sử Phạm Tu cũng nhằm góp phần tôn vinh công lao và sự nghiệp của người anh hùng vĩ đại này.

Lê Đình Sỹ
Đại tá, PGS, TS, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH, H, 1993, tr. 179.
Theo Tạp chí Lịch sử quân sự số 235 (7/2011) tr. 72-74

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét